Nhận định Trịnh_Doanh

Trong các chúa Trịnh, Trịnh Doanh có cuộc đời và sự nghiệp khá giống với ông tổ 5 đời là Định Nam Vương Trịnh Căn. Trẻ tuổi đã ra mặt trận, tiếp quản khi chiến sự gay go, chuyển thế nguy thành an cho nước nhà, trọng dụng nhân tài chỉnh đốn chính sự, say mê công việc và một cuộc đời không thiếu thi ca, đặc biệt là những bài thơ bằng chữ Nôm.

Nói theo thuyết di truyền thì Trịnh Doanh được thừa hưởng dòng máu vừa hùng lược vừa lãng mạn, có pha lẫn sự nghiêm nghị, cứng rắn của tổ tiên. Có khác chăng là Trịnh Doanh không sống thọ được như Trịnh Căn. Có ý kiến cho rằng nếu ông sống thêm được khoảng 30 năm nữa như Định Nam Vương, có thể nhiều biến cố lịch sử của nước Đại Việt đã khác đi.

Tuy vậy, các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài dù bị dẹp yên nhưng vẫn để lại hậu quả khá nặng nề. Nhân tài vật lực Bắc Hà bị suy sút nghiêm trọng, vì vậy, nhìn nhận một cách khách quan thì thời Trịnh Doanh khôi phục lại cũng không thể phồn thịnh được như thời Trịnh CănTrịnh Cương.

Sử gia Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần "Nhân vật chí" có đánh giá về Ân vương Trịnh Doanh:[15]

Chúa là người thông minh, quả quyết. Lúc mới cầm quyền, bốn phương trộm cướp đang dữ dội, chúa mới thay đổi việc chính, cất dùng hiền tài, sai tướng đem quân quét sạch giặc giã, trong khoảng 10 năm trong nước lại được yên thịnh, công nghiệp trung hưng rực rỡ hơn trước.
— Phan Huy Chú

Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục bàn về vai trò của Trịnh Doanh trong việc đánh dẹp quận He và quận Hẻo như sau:[10]

Một việc vui sướng ngàn đời. Nếu không có Trịnh Doanh, thì việc này cũng rất khó khăn.
— Cương mục